Đa dạng hóa sản phẩm nhựa - cao su: Đáp ứng thị trường và xuất khẩu

(Thethaovanhoa.vn) - Trong thời gian qua, mặc dù ngành công nghiệp nhựa và cao su có những tăng trưởng tốt, tuy nhiên các sản phẩm chưa được đa dạng hóa, chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Việc đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị là cần thiết để đáp ứng yêu cầu này, với một sự chuẩn bị nghiêm túc ngay từ bây giờ.

Chưa đa dạng hóa sản phẩm

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian gần đây ngành công nghiệp sản xuất nhựa là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Nhiều sản phẩm nhựa gia dụng Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và có lợi thế cạnh tranh lớn, nhất là với sản phẩm bao bì, nhựa gia dụng, nhựa xây dựng, nhựa kỹ thuật…

Khách hàng tham quan triển lãm quốc tế chuyên ngành về công nghiệp nhựa và cao su Việt Nam 2015

Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), ngành nhựa Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định, chẳng hạn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng đủ cho sản xuất, đa phần phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm của ngành nhựa còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.


Khách hàng tham quan triển lãm quốc tế chuyên ngành về công nghiệp nhựa và cao su Việt Nam 2015

Thêm nữa, vốn của các doanh nghiệp trong nước còn yếu nên chịu áp lực cạnh tranh mạnh trước các doanh nghiệp FDI có thế mạnh về kỹ thuật, kinh nghiệm thị trường. “Doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được các chi tiết cao cấp để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một vị trí cố định”, bà Mỹ nói.

Còn với ngành cao su, Việt Nam luôn giữ vị trí cao trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên, nhưng vẫn luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, năm qua giá cao su trên thế giới giảm sâu do kinh tế thế giới phục hồi yếu, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên tăng chậm hơn nguồn cung dẫn đến tồn kho lên cao. Thực tế cho thấy, hạn chế lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong ngành nhựa và cao su là thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng để đổi mới công nghệ dẫn đến năng lực cạnh tranh kém, trong khi giá thành cao khó cạnh tranh. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn chưa thể đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật (chủ yếu phục vụ trong ngành giao thông như khe co giãn cầu đường, gối cầu đường, đệm cao su cầu cảng…) mang lại giá trị gia tăng cao hơn, bởi vì không có cơ quan nào kiểm định và chứng nhận chất lượng để có thể tham gia đấu thầu các dự án lớn.

Cần đầu tư thẳng công nghệ cao

Theo VPA, đã đến lúc các doanh nghiệp ngành nhựa cần đầu tư vào thiết bị và công nghệ mới để tăng năng lực cũng như khả năng cạnh tranh. Sự phát triển của ngành công nghiệp nhựa phải được định hướng hiện đại hóa và tự động hóa quy mô lớn, từng bước loại bỏ thiết bị và công nghệ cũ để mở đường cho xu hướng đổi mới trong sản xuất.

Còn đối với ngành cao su, theo dự báo của một số tổ chức quốc tế mức giá cao su thấp sẽ kéo dài trong vài năm, do vậy ngành cao su Việt Nam cần tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh nghiên cứu nhu cầu của thị trường và khách hàng để chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng sản xuất đến sản phẩm cuối với chất lượng cao nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu.

Theo ông Phạm Đăng Khánh, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Vinexad - Bộ Công Thương, trước nhu cầu như hiện nay của ngành công nghiệp nhựa và cao su, từ ngày 28/9 đến ngày 1/10/2016, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) quận 7, TP.HCM, Công ty Vinexad phối hợp cùng Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hội Cao su - Nhựa TP.HCM và Hiệp hội Cao Su Việt Nam (VRA) tổ chức triển lãm quốc tế chuyên ngành về công nghiệp nhựa và cao su Việt Nam 2016 (VnPlastic + VnRubber Vietnam 2016).

Triển lãm năm nay thu hút hơn 320 đơn vị tham gia với gần 500 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, cung cấp máy móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp nhựa và cao su tại Việt Nam. Trong đó, có các dòng thiết bị như: máy ép nhựa, máy ép phun nhựa, máy tạo hạt nhựa, máy thổi chai PET, máy thổi màng PE, PP, PVC, máy in ống đồng, máy làm túi, thiết bị thử độ bền màu, thiết bị kiểm nghiệm...; máy móc và thiết bị chế tạo cao su, sản xuất băng tải, lốp, ép lưu hóa cao su, thổi cao su, máy ép tim cao su, máy tạo phôi tiếp liệu nguội...

Đồng thời, các đại lý nguyên phụ liệu và linh phụ kiện cho ngành nhựa và cao su cũng có mặt như: hạt nhựa màu, hạt nhựa phụ gia, chất phụ gia chống cháy, chống ăn mòn, khuôn ép, khuôn tạo phôi, khuôn định hình cao su, khuôn đúc cao su…

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận các công nghệ tân tiến, đồng thời là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi mở rộng kinh doanh, góp phần thúc đẩy công nghiệp nhựa và cao su bắt kịp xu hướng thị trường thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh.