Cựu Phó Chủ tịch Bitexco tham gia HĐQT Thiên Long

Thiên Long đề ra mục tiêu lãi 220 tỷ đồng năm 2020, giảm 37%. Công ty miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Trần Kim Thành và bầu Chủ tịch Vnexus ông Phạm Tri Nguyên thay thế.

Sáng ngày 24/6, Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2019. Cuộc họp có sự tham dự của các cổ đông đại hiện hơn 71% số cổ phần có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành.


Khu vực kiểm tra tư cách cổ đông của Tập đoàn Thiên Long. Ảnh: Huy Lê.

Kế hoạch lãi giảm 37%

Năm 2020, Thiên Long đề ra mục tiêu doanh thu là 2.800 tỷ đồng, giảm 15% so với mức thực hiện năm 2019 và lợi nhuận dự kiến 220 tỷ đồng, giảm 37%. Dù vậy trong quý I, công ty đã lỗ sau thuế 20 tỷ đồng do tác động của việc giãn cách xã hội và tạm đóng cửa trường học.

Đây là quý thua lỗ đầu tiên của Thiên Long kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2010. Và với mục tiêu lợi nhuận, công ty văn phòng phẩm đang đứng trước nguy cơ đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận vì Covid-19.


Về cổ tức, ban lãnh đạo dự kiến chia cho năm 2019 tỷ lệ 20% bằng tiền mặt. Thiên Long đã tạm ứng 2 đợt với tỷ lệ lần lượt 10% và 5%. Tỷ lệ cổ tức năm 2020 dự kiến là 20%.

Về nhân sự, Đại hội cũng xem xét thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Trần Kim Thành và bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT. Ông Trần Kim Thành sinh năm 1960 và bắt đầu là thành viên HĐQT của chủ thương hiệu bút bi Thiên Long từ năm 2008 đến nay, ông có nắm giữ 42.900 cổ phiếu TLG.

Để thay thế, HĐQT giới thiệu ông Phạm Tri Nguyên sinh năm 1959 làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021. Ông Nguyên đang là Chủ tịch Vnexus Capital Adivisors từ 2018 đến nay, ông cũng là cựu Phó Chủ tịch HĐQT Bitexco Group giai đoạn 2014-2017 và Tổng giám đốc Deutsche Bank AG Vietnam giai đoạn 2007-2014.

HĐQT trình ĐHĐCĐ phương án sử dụng 1,5 triệu cổ phiếu quỹ để bán cho người lao động. Giá bán cố định 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III-IV năm nay.

Một số nội dung thảo luận tại đại hội

Dự án sản xuất keo khô hiện ra sao?

Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tâm: Dự án sản xuất keo khô có mức đầu tư hơn 2 triệu USD. Đối tác muốn sản xuất sản phẩm riêng cho họ với sản lượng hiện đạt 5 triệu lọ keo khô/tháng, dây chuyền tự động và giá thành tốt. Đây là sản phẩm có tiềm năng lớn để công ty mở rộng làm thêm các sản phẩm về keo.

Kế hoạch phát triển các kênh phân phối của công ty?

Chủ tịch HĐQT Cô Gia Thọ: Thế mạnh của Thiên Long tại Việt Nam là nhờ hệ thống lớn để phủ hàng, chúng tôi mạnh về các kênh phân phối và thương hiệu được yêu mới. Các kênh mới như B2B và thương mại điện tử thì là đầu tư cho tương lai do chưa có thu hoạch nhiều.

Trên trang thương mại của Thiên Long chưa có nhiều sản phẩm như các trang điện tử khác mà chỉ chú trọng các sản phẩm văn phòng phẩm và sản phẩm tiện lợi. Nếu muốn thành công, kênh này phải bỏ tiền rất lớn nên Thiên Long đi rất thận trọng.

Thiên Long vượt qua Covid-19 như thế nào?

Ông Cô Gia Thọ: Phải có sức khỏe tốt và nhân sự thực tài. Nguyên tắc của Thiên Long là phải đảm bảo về sức khỏe của nhân viên và sức khỏe của doanh nghiệp. Trong khó khăn, công ty vẫn thường xuyên trao đổi để tìm cách vượt qua khủng hoảng và lãnh đạo dù có lo lắng vẫn có niềm tin trong lòng. Sức khỏe tài chính doanh nghiệp như các chi phí, dòng tiền, đầu tư đã được cân đối và công ty tự tin dù trong khó khăn.

Huy động hơn 400 tỷ từ NWL Cayman để làm gì?

Phó Tổng giám đốc Tài chính Trần Phương Nga: Rất may là trước đại dịch Covid-19 công ty có phát hành riêng lẻ nên trong đại dịch có nguồn tài trợ lớn. Với nguồn vốn đó, công ty đã dùng để hỗ trợ và chia sẻ với các khách hàng, nhà phân phối. Phần còn lại chúng tôi dùng để mua nguyên vật liệu với giá thấp và do đó có nguồn lực để giảm giá thành sản phẩm. Chúng tôi dự kiến có đầu tư nhà máy Long Thành nhưng do dịch bệnh đã hoãn dự án để đảm bảo tài chính vững mạnh.

Vì sao bán cổ phiếu quỹ cho người lao động?

Bà Trần Phương Nga: Do thị giá cổ phiếu giảm nên công ty chủ trương mua lại cổ phiếu để bình ổn thị trường và cũng để dùng để thưởng cho cán bộ công nhân viên. Trong 3 năm qua, công ty chưa có phát hành ESOP, cộng thêm tình hình khó khăn do dịch bệnh nên chúng tôi muốn chia cho cán bộ công nhân viên nhằm giảm bớt áp lực về chi phí, lương thưởng cho công ty do đợt cắt giảm mạnh lương thời gian dịch bệnh. Đây là đợt chia không thường xuyên chủ yếu nhằm chấn an tâm lý người lao động.

Tầm nhìn và vị thế Thiên Long trong 10 năm tới ra sao?

Ông Cô Gia Thọ: Thiên Long thuộc Top 17 công ty văn phẩm phẩm tăng trưởng tốt nhất thế giới. Về định hướng, công ty là số 1 Việt Nam và thị trường Đông Nam Á vẫn còn dư địa lớn để phát triển. Với cách làm liên tục mở rộng hiện nay thì tôi tin Thiên Long sẽ còn phát triển hơn nữa không chỉ trong nước mà còn ra thế giới.

Thành viên HĐQT mới sẽ có đóng góp thế nào?

Ông Cô Gia Thọ: Công ty đạt được yếu tố “nhân hòa”, ông Trần Kim Thành đã có đóng góp xuất sắc thời gian qua và giờ có sự góp sức của ông Phạm Tri Nguyên. Ông Nguyên chắc chắn sẽ có đóng góp cho công ty nhờ có 28 năm làm việc với World Bank để hỗ trợ các doanh nghiệp tầm cỡ trên thế giới. Hiện giờ ông có công ty riêng chuyên về tư vấn tài chính, HĐQT đều nhận thấy ông sẽ có nhiều đóng góp cho Thiên Long.

Công ty dự báo thị trường xuất khẩu 6 tháng cuối năm?

Ông Nguyễn Đình Tâm: Tôi cũng mong dịch bệnh đi qua và các nước dỡ bỏ giãn cách xã hội. Chúng tôi hiện có ký một số hợp đồng và đang triển khai xuất hàng vào cuối năm đến các thị trường Nhật Bản và châu ÂU. Riêng khu vực Đông Nam Á đang bị giãn cách nên các đối tác chưa thể mua hàng, khi hết giãn cách thì nhu cầu sẽ rất lớn và chúng tôi đã có những chuẩn bị. Kế hoạch xuất khẩu năm nay không thấp hơn năm ngoái.

Kế hoạch đầu tư và cổ tức các năm tới? Giá dầu ảnh hưởng như thế nào đến giá thành?

Bà Trần Phương Nga: Trong năm 2020, công ty có dự định chi 80 tỷ đồng đầu tư nhưng dịch bệnh nên sẽ giảm quy mô đầu tư. Mô hình tài chính của Thiên Long thường dùng 40-50% lợi nhuận để trả cổ tức bằng tiền, nhưng các năm đặc biệt như năm nay thì tỷ lệ cổ tức có thể tăng lên. Dù vậy, công ty sẽ đảm bảo giữ cổ tức 2.000 đồng/cp để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.

Giá nhựa chiếm 20% giá thành công ty. Giá nhựa có biến động theo giá dầu nhưng cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Tôi nhận thấy giá nhựa hiện đã ở mức đấy và khó có thể giảm thêm, do đó chúng tôi đã có tăng thêm tồn kho giá nhựa và khi giá nhựa lên sẽ giúp biên lợi nhuận tăng lên.

NWL Cayman định hướng kết hợp với công ty như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Tâm: Họ cũng mong muốn có hiệu quả cho cả đôi bên, định hướng của họ là mong muốn phát triển thị trường khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á nên mong muốn có doanh nghiệp cùng đồng hành phát triển các thị trường này.

Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình được thông qua.