“Cuộc phiêu lưu” phát hành trên thị giá của Nhựa Đồng Nai

Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (mã DNP, sàn HNX) dự kiến phát hành gần 10 triệu cổ phiếu. Song, “cuộc chơi” sắp tới hứa hẹn nhiều kịch tính phụ thuộc vào biến động thị giá cổ phiếu này.

Công ty Nhựa Đồng Nai sẽ phát hành thêm cổ phần để tăng vốn. Trong ảnh: Phân xưởng bao bì của Nhựa Đồng Nai.
Công ty Nhựa Đồng Nai sẽ phát hành thêm cổ phần để tăng vốn. Trong ảnh: Phân xưởng bao bì của Nhựa Đồng Nai.

Thu hơn 200 tỷ đồng từ phát hành

Theo kế hoạch, với số lượng cổ phần dự kiến phát hành như trên, Nhựa Đồng Nai kỳ vọng sẽ thu về số tiền gần 207 tỷ đồng. Số tiền thu từ đợt chào bán được sử dụng để bổ sung vốn lưu động cho Công ty. Giá chào bán dự kiến cho đợt phát hành lần này là 20.697 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá hiện tại trên sàn chỉ trên dưới 18.000 đồng/cổ phiếu.

Về mức giá phát hành, ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết, cơ sở được dựa trên định giá của bên thứ ba, có tính đến tiềm năng phát triển của Công ty trong tương lai. Về việc năm trước Công ty chỉ phát hành với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, theo giải thích của ông Độ, giá trị Công ty thời điểm đó khác, sau một thời gian, giá trị Công ty đã thay đổi.

Theo kế hoạch, ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền mua cổ phiếu là 30/9/2020. Trong khi đó, hiện tại thị giá cổ phiếu chỉ khoảng quanh 18.000 đồng/cổ phiếu. Đây có thể là “cuộc phiêu lưu” giàu kịch tính cho cổ phiếu DNP trên sàn chứng khoán những ngày tới. Nhà đầu tư vẫn đang có 2 lựa chọn, hoặc mua cổ phiếu trong đợt phát hành với giá 20.697 đồng/cổ phiếu, hoặc mua trực tiếp trên sàn với giá thấp hơn. Với việc mua trực tiếp trên sàn, nhà đầu tư có thể bán đi ngay sau khi cổ phiếu về đến tài khoản, thay vì phải chờ Công ty hoàn thành niêm yết bổ sung cho số cổ phiếu mới phát hành thêm.

Tuy nhiên, ở góc độ pha loãng thì nếu như đến ngày chốt quyền mua cổ phiếu, thị giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp hơn so với giá phát hành thì giá cổ phiếu sẽ không bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng pha loãng sau phát hành. Theo Quy chế hướng dẫn giao dịch chứng khoán tại HNX, nếu giá phát hành cổ phiếu cao hơn giá đóng cửa của cổ phiếu trong ngày giao dịch liền trước ngày giao dịch không hưởng quyền thì không điều chỉnh giá tham chiếu. Trong khi đó, trường hợp giá cổ phiếu phát hành thấp hơn giá thị trường thì giá tham chiếu kể từ phiên giao dịch không hưởng quyền sẽ bị điều chỉnh kỹ thuật do ảnh hưởng của pha loãng.

Giả sử giá của cổ phiếu Nhựa Đồng Nai vào ngày liền trước ngày giao dịch không hưởng quyền là 25.000 đồng/cổ phiếu, với ảnh hưởng của tổng số lượng cổ phần phát hành lần này của Công ty, thì giá tham chiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ phải điều chỉnh về mức 24.609 đồng/cổ phiếu (công thức tính dựa trên các biến số là giá phát hành, thị giá đóng cửa phiên liền trước và tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm so với số lượng cổ phiếu đang lưu hành).

Gánh nặng nợ vẫn lớn

Đợt phát hành này nếu thực hiện được theo đúng kế hoạch, vốn điều lệ của Nhựa Đồng Nai sẽ tăng từ mức 1.000 tỷ đồng hiện nay lên 1.100 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty tăng 2.286,5 tỷ đồng lên 2.493,5 tỷ đồng. Sự thay đổi này phần nào giúp cho doanh nghiệp thay đổi cơ cấu tài chính theo hướng lành mạnh hơn, nhưng sự cải thiện cũng không đáng kể.

Tại thời điểm ngày 30/6/2020, nợ phải trả của Nhựa Đồng Nai là 5.966,9 tỷ đồng, lớn gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu cùng thời điểm. Nếu Công ty tăng vốn theo đúng lộ trình, nhưng quy mô nợ phải trả không thay đổi thì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức 2,4 lần. Tỷ lệ này vẫn ở mức khá cao so với nhiều doanh nghiệp ngành nhựa khác (Ví dụ, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu chỉ là 0,17 lần; Công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng là 0,65 lần; Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á là 1,43 lần…).

Riêng với Nhựa Đồng Nai, ngoài việc tỷ lệ nợ ở mức cao, thì quy mô vay và nợ thuê tài chính của doanh nghiệp này khá lớn. Tại thời điểm giữa năm 2020, Công ty đi vay tài chính dài hạn số tiền lên tới 2.961,2 tỷ đồng và vay tài chính ngắn hạn 1.798,2 tỷ đồng. Trong cơ cấu vay và nợ thuê tài chính, Công ty có số dư tới 2.172 tỷ đồng vay tín dụng. Một số hợp đồng vay vốn đảm bảo bằng tín chấp là các khoản vay từ ngân sách tỉnh Bình Thuận, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ngoài ra, Công ty có 82,9 tỷ đồng thuê tài chính và khoảng hơn 700 tỷ đồng vay trái phiếu từ một số tổ chức tài chính như AEP II Holdings Pte Ltd, Vietnam Dept Fund SPC, các công ty bảo hiểm Sunlife và AIA.