Coca-Cola sẽ tăng lượng nhựa tái chế trong chai đựng nước ngọt

(VOH) - Thương hiệu đồ uống lớn nhất thế giới Coca-Cola dự kiến sẽ tăng lượng nhựa tái chế hoặc nhựa RPET trong sản xuất chai đựng nước ngọt lên tới 40% vào năm 2020.

Theo Guardian, thông báo được đưa ra khi chai nhựa đang gây ra thảm họa tái chế và con số thống kê mới cho thấy có hơn 1 triệu chai nhựa được mua trên toàn cầu mỗi phút.

Số chai nước ngọt được người tiêu dùng mua sẽ tăng thêm 20% vào năm 2021, với doanh thu hàng năm của các hãng nước ngọt tăng lên hơn nửa nghìn tỷ mỗi năm sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng môi trường mà một số nhà vận động dự đoán sẽ nghiêm trọng như biến đổi khí hậu.

Hơn 480 tỷ chai chai nhựa đã được bán trên toàn thế giới vào năm 2016, tăng so với mức 300 tỷ chai vào năm trước. Đến năm 2021, mức tăng này sẽ tăng lên 583,3 tỷ chai, theo ước tính cập nhật nhất từ báo cáo xu hướng bao bì toàn cầu của Euromonitor International.

Một chai Coca-Cola trên bờ biển Scotland (Ảnh: Greenpeace)

Chất dẻo đang gây ra tình trạng ô nhiễm ở các đại dương trên thế giới. Tháng trước, các nhà khoa học đã tìm thấy gần 18 tấn chất dẻo trên một trong những hòn đảo xa nhất thế giới - một đảo san hô không người ở Nam Thái Bình Dương.

Theo Greenpeace, 6 công ty đồ uống hàng đầu thế giới sử dụng tổng cộng chỉ 6,6% nhựa tái chế (PET) trong các sản phẩm của họ. 2 công ty trong số đó không có mục tiêu tăng sử dụng nhựa tái chế và không công ty nào có ý định sử dụng 100% nhựa tái chế trong sản xuất chai đựng trên toàn cầu.

Các chai nhựa có thể được làm từ nhựa tái chế 100%, được gọi là RPET - và các nhà vận động đang ép các công ty nước giải khát lớn tăng lượng nhựa tái chế trong chai của họ. Tuy nhiên, các thương hiệu có xu hướng chống lại việc sử dụng RPET nhiều hơn vì lý do thẩm mỹ.