Chưa điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu hạt nhựa

(TBTCO) - Khi đề xuất về sửa Biểu thuế xuất nhập khẩu một số hàng hóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trước mắt chưa điều chỉnh giảm thuế mặt hàng hạt nhựa nhằm tránh xáo trộn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

nhựa

Hạt nhựa PP là nguyên liệu sản xuất nhiều sản phẩm nhựa. Ảnh: TL.

Chính phủ đã đồng ý với phương án của Bộ Tài chính khi ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP (Nghị định số 122) của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP (Nghị định số 125) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122.

Trước đó, có ý kiến đề nghị giảm thuế nhập khẩu Propan từ 2% xuống 0% và hạt nhựa Polypropylen (hạt nhựa PP) tăng từ 3% lên 10%.

Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp liên quan về phương án xử lý thuế đối với mặt hàng Propan và hạt nhựa Polypropylen.

Đối với mặt hàng Propan (mã hàng 2711.12.00), theo quy định tại Nghị định số 125, mặt hàng này có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là 2%, cam kết WTO 2019 là 5%, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo một số FTA là từ 0-1%.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 của mặt hàng Propan khoảng 187 triệu USD, nhập khẩu chủ yếu từ các nước Quata (54,2 triệu), Kuwat, Arập Saudi, UEA..., áp dụng mức thuế suất MFN 2%.

Theo thống kê, trong nước đã sản xuất được mặt hàng này. Hiện nay nhu cầu sử dụng Propan khoảng 2 triệu tấn, trong nước cung cấp được 900.000 tấn, đáp ứng khoảng 45% nhu cầu. Mặt hàng này mới được điều chỉnh từ 5% xuống 2% từ 1/1/2018, do vậy Bộ Tài chính trình Chính phủ thực hiện theo quy định hiện hành.

Đối với mặt hàng Polypropylen, Bộ Tài chính đề xuất phương án tăng từ 3% lên 5% do trong nước đã sản xuất được đáp ứng khoảng 70%.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận được các ý kiến của một số đơn vị đề nghị không tăng thuế nhập khẩu vì việc tăng thuế hạt nhựa PP sẽ trở thành công cụ bảo hộ cho doanh nghiệp nước ngoài sản xuất hạt nhựa PP tại Việt Nam.

Ngược lại, ngành công nghiệp nhựa còn non trẻ của Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn do tăng giá nguyên liệu đầu vào, tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của hơn 2.000 doanh nghiệp chủ yếu của là doanh nghiệp tư nhân với hàng trăm lao động và gián tiếp ảnh hưởng số thu ngân sách.

Do đó, Bộ Tài chính quyết định trình Chính phủ trước mắt chưa điều chỉnh giảm thuế mặt hàng hạt nhựa./.

thoibaotaichinhvietnam