Chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải

Thu gom rác thải nguy hại Kiên Giang nhanh chóng - GREEN ...


Theo quy định của Luật BVMT 2014, chất thải được quản lý theo quy định về CTNH, CTR thông thường, CTR sinh hoạt, nước thải, bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ. Tuy nhiên, các quy định này chưa đầy đủ, chưa thống nhất, nhất là đối với CTR sinh hoạt, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn, tiến bộ khoa học kỹ thuật và yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên. Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung các quy định về phân nhóm các loại CTR (CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; CTR công nghiệp thông thường), phân định các loại chất CTR phát sinh; bổ sung quy định cụ thể về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, công nghệ xử lý chất thải… nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải như sau:

Xem chất thải là tài nguyên

Chất thải đã được phân định, phân loại sử dụng cho quá trình sản xuất khác là nguyên, nhiên, vật liệu cho ngành sản xuất khác, nhằm thúc đẩy tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải; quy định trách nhiệm của các Bộ trong hợp chuẩn, hợp quy việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất. Quy định rõ chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ quan, tổ chức, phát sinh CTR công nghiệp thông thường; hộ gia đình và cá nhân phát sinh CTR sinh hoạt có trách nhiệm phân loại CTR tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

Đối với chất thải nhựa

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa đang bức xúc ở nước ta cũng như trên toàn cầu hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung, cụ thể hóa quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Theo đó, đã quy định các tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải nhựa không được thải bỏ trực tiếp ra môi trường; có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy theo quy định; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Mặt khác, dự thảo Luật quy định Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; xây dựng cơ sở dữ liệu tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa quốc gia nhằm thúc đẩy thị trường tái chế, xử lý chất thải.