Chiếc ghế nhựa vỉa hè của Việt Nam giữa đất Seoul và bước chân người Việt sang nước Mỹ

Chiếc ghế nhựa vỉa hè của Việt Nam giữa đất Seoul và bước chân người Việt sang nước Mỹ

Có thể nói, ghế nhựa là thứ quen thuộc đến nỗi chỉ cần nhìn thấy nó là những người dân Việt Nam đã nhận ra “hương vị” của quê hương mình.

Nó xuất hiện ở các hàng quán, những gốc cây, xe chở hàng rong, từ mặt phố cho đến căn ngõ nhỏ, tại bất kỳ buổi lễ ngoài trời nào cho đến một lớp học ôn thi. Thậm chí, ghế nhựa còn có thể dùng linh động trên ô tô, tàu hỏa chở khách trong những ngày cháy chỗ.

Quen thuộc như vậy nhưng không phải ai cũng biết đến doanh nghiệp đứng sau nó. Tại quán Hiếu Tử ở Hàn Quốc, chiếc ghế đến từ công ty mang tên Nhựa Duy Tân.

Được thành lập vào năm 1987, vợ chồng ông Trần Duy Hy thành lập tổ hợp sản xuất Nhựa Duy Tân. Năm 1997, tổ hợp này đổi tên thành công ty TNHH Duy Tân và chuyển đổi sang mô hình CTCP vào năm 2008. Theo thông tin mà lãnh đạo Duy Tân mới chia sẻ, mỗi ngày Nhựa Duy Tân tiêu thụ khoảng 300 tấn sản phẩm.

Chiếc ghế nhựa vỉa hè của Việt Nam giữa đất Seoul và bước chân người Việt sang nước Mỹ - Ảnh 1.

Ông Trần Duy Hy (bên phải).

Theo những lời kể lại, ông chủ Nhựa Duy Tân là người sống theo quan điểm "cứ làm tốt sản phẩm của mình, người tiêu dùng tự đánh giá; hữu xạ tự nhiên hương - tiếng tốt sẽ lan xa…".

Kể về sự ra đời của ghế nhựa, ông Lê Anh - Giám đốc Marketing của công ty này cho biết: "Trước kia, mọi người đa phần ngồi ghế gỗ, ghế mây tre.

Đầu những năm 1990, Tổng Giám đốc Duy Tân (Ông Trần Duy Hy, người sáng lập - PV) nhìn thấy ghế nhựa nhẹ, có thể xếp chồng được. Ghế chất lượng cao sẽ chịu được mưa nắng và sẽ trở thành phổ dụng nên Duy Tân bắt đầu sản xuất ghế nhựa".

Có thể dễ dàng giải thích lý do vì sao ghế nhựa trở nên phổ biến. Không chỉ do tính tiện lợi, giá thành rẻ, dùng được lâu mà nó còn được "tạo điều kiện" nhờ văn hóa hàng xén, vỉa hè của Việt Nam. Rất nhanh, nó trở thành mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp nhựa như Duy Tân.

Ông Lê Anh cho biết, cơ cấu sản phẩm của Nhựa Duy Tân hiện nay bao gồm 50% sản phẩm bán tới tay người tiêu dùng, 30% là sản xuất các chai, lọ cho các hãng như Nestle, các hãng dược, mỹ phẩm. Còn lại, 20% sản phẩm được xuất khẩu. Những năm tiếp theo, Nhựa Duy Tân sẽ phát triển ghế cho các quán cà phê, các loại ghế chất lượng hơn trong các căn hộ.

Bên cạnh ghế nhựa, một món đồ cũng rất quen thuộc với người Việt Nam chính là tủ nhựa.

"Nếu bạn còn nhớ thì trước đây, người Việt mình thường sử dụng tủ sắt. Khi kéo ra kéo vào thì hay bị kêu cót két và bản lề hay bị hỏng. Duy Tân nắm bắt được nhu cầu nên đã sản xuất tủ nhựa và luôn cho ra đời những mẫu mới. Hiện nay, mặt hàng tủ nhựa chiếm khoảng 12-15% doanh số" - ông Lê Anh nói.

Nhựa Duy Tân là một trong số ít các doanh nghiệp may mắn sống tốt trong Covid-19 và đạt được đa số các chỉ tiêu đề ra. Một trong những lý do doanh nghiệp này vẫn phát triển tốt trong dịch vì cung cấp bao bì, vỏ chai cho các doanh nghiệp bán nước rửa tay trong đại dịch.

Trước dịch Duy Tân cũng đã là đơn vị cung cấp bao bì, chai nhựa, nắp chai cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Comfort, Sunlight, Lifebouy, Biore, Enchanteur, Romano, Sunplay…

Dù tiện dụng nhưng trong những năm gần đây, vấn đề rác thải nhựa trở thành vấn nạn môi trường toàn cầu. Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng rác thải nhựa đáng báo động đó là lỗi của các công ty nhựa.

Chiếc ghế nhựa vỉa hè của Việt Nam giữa đất Seoul và bước chân người Việt sang nước Mỹ - Ảnh 2.

Ông Lê Anh phản đối.

"Không ai quăng tủ nhựa ra đường. Nhựa Duy Tân không phải là hàng tiêu dùng nhanh. Cả chục người dùng mới đổi sản phẩm mới và vừa bỏ đi đã có người nhặt làm vật liệu tái chế rồi" - Giám đốc Marketing của công ty Nhựa này nói - "Nhựa có thể để trong môi trường nước, axit nhưng gỗ thì không thể được nên vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Thực chất, bạn biết không, giá hạt nhựa tái chế đắt hơn hạt nhựa nguyên sinh, có lúc lên đến 40%".

Tuy nhiên, cũng mới đây, Duy Tân xây dựng nhà máy tái chế 60 triệu USD quy mô 65.000 m2 tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An).

Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tái chế bottles-to-bottles, tức tái chế chai nhựa phế liệu thành chai nhựa mới, đạt chuẩn FDA để sử dụng trong bao bì thực phẩm. Năng lực sản xuất dự kiến khoảng 100.000 tấn mỗi năm.

"Đó là do nhu cầu của các đối tác như Unilever, Motul…. Họ cần các sản phẩm từ nhựa tái chế đạt chuẩn thì Duy Tân làm. Đồng thời, Duy Tân cũng nhận thấy việc sử dụng nhựa tái chế rất tốt cho môi trường" - ông Lê Anh cho biết - "Nguyên liệu đầu vào là thu mua từ khắp các vựa để sản xuất theo mô hình "từ chai ra chai".

Tuy nhiên, dù là nhựa tái chế, các sản phẩm phải đạt vệ sinh tiêu chuẩn của Mỹ. Hiện đang trong tình trạng Covid-19 nên chuyên gia chưa qua Việt Nam được".

Trước đó, vào năm 2011, nhận thấy thị trường Mỹ tiềm năng, công ty này đã mua lại nhà máy Plascene, diện tích 4ha để cung ứng bao bì, chai, lọ, bình… cho các thương hiệu tại thị trường Mỹ, đồng thời phục vụ xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Nhà máy tại Việt Nam cũng xuất khẩu sang các quốc gia khác. Tùy thuộc vào giá vận chuyển và vị trí phù hợp mà Duy Tân chọn xuất khẩu sản phẩm từ Mỹ hay từ Việt Nam tới các quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản.

"Trước đây tôi cũng làm ở một công ty xây dựng nổi tiếng nhưng bà con, bạn bè không biết mình là ai. Nhưng khi nói đến Duy Tân, ai cũng biết. Mình cũng yêu thích, và có tình yêu với thương hiệu Việt. Không phải doanh nghiệp Việt Nam cũng giữ được phong độ "chạy bền" như Duy Tân trong suốt mấy chục năm" - ông Lê Anh chia sẻ.