CEO Nhựa Bình Minh lý giải việc biên lợi nhuận lần đầu thấp hơn Nhựa Tiền Phong

Nhựa Bình Minh lên kế hoạch năm 2022 gồm doanh thu tăng 25% và lợi nhuận tăng 109%. Kế hoạch kinh doanh năm 2022 tăng mạnh dựa trên nền thấp 2021 và kỳ vọng dịch Covid-19 không còn tác động mạnh đến hoạt động sản xuất nữa.

Tại buổi gặp gỡ giới phân tích chiều ngày 17/2, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2022 tham vọng so với năm 2021.

hop-bmp-17-2-8349-1645092993.png

Ảnh: Chụp màn hình

Cụ thể, sản lượng tiêu thụ kế hoạch năm nay tăng khoảng 10% đạt 102.000 tấn, mức cao so với các năm gần đây chỉ khoảng 5-6%. Doanh thu tăng khoảng 25% lên 5.680 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 109% lên 560 tỷ đồng.

CEO Nhựa Bình Minh chia sẻ việc đặt kế hoạch kinh doanh năm nay tăng mạnh do nền thấp của 2021 và nhu cầu được kỳ vọng tăng cao khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Năm 2021, do ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát mạnh thứ 4 trong suốt quý III mà sản lượng, doanh thu và lợi nhuận cùng giảm. Cụ thể, doanh thu năm trước chỉ đạt 4.553 tỷ đồng, giảm 3% so với 2020; lợi nhuận trước thuế 268 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 214 tỷ đồng, cùng giảm 59%. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 13 năm của Nhựa Bình Minh.

bmp-loi-nhuan-9299-1645092993.png

Đơn vị: tỷ đồng

Với năm 2022, tình hình kinh doanh được kỳ vọng bớt khó khăn hơn do dịch Covid-19 có thể tác động không còn mạnh đến hoạt động sản xuất nữa.

Nhìn chung, lãnh đạo Nhựa Bình Minh đánh giá kế hoạch kinh doanh năm 2022 khá tham vọng so với thực hiện 2021 và cũng rất áp lực. Và dù tăng trưởng mạnh nhưng vẫn thấp hơn mức kế hoạch của 2021.

Một tín hiệu tốt nữa là giá nguyên liệu nhựa vào tháng cuối năm 2021 và đầu năm nay mặc dù vẫn ở mức cao nhưng khá ổn định. So với mức tăng giá bán năm trước thì giá nguyên liệu đang ở mức hợp lý để đảm bảo lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, ông Ngân cũng cho biết tín hiệu tốt đó đang mờ dần đi và giá nguyên liệu nhiều khả năng tăng trở lại. Theo nhiều chuyên gia và tổ chức dự báo, giá nhựa sẽ tăng song khó có đợt biến động mạnh như năm 2021. Giá nguyên liệu nhựa đã tăng 1,6 lần trong năm 2021 và có nhiều thời điểm đạt mức giá cao chưa từng có.

Trong bối cảnh đó, Nhựa Bình Minh đề ra 2 giải pháp. Đầu tiên là theo dõi sát giá nguyên liệu để có chiến lược tích trữ tồn kho tại thời điểm giá tốt. Lãnh đạo công ty tiết lộ trong đợt diễn biến giá ổn định cuối 2021 và đầu 2022, doanh nghiệp có tiến hành tích trữ nguyên liệu nhựa. Biện pháp thứ 2 là chuyển giá cho người mua. Song, trong năm 2021, Nhựa Bình Minh đã tăng giá 4 lần, ban lãnh đạo sẽ cân nhắc kỹ để đảm bảo tính cạnh tranh cũng như lợi nhuận.

Đánh giá về tình hình tiêu thụ tháng đầu năm, ông Ngân chia sẻ sản lượng tháng 1 đạt khoảng 5.654 tấn, doanh thu 342 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 29 tỷ đồng. Sang tháng 2 vướng kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán nên thị trường sau ngày 10/2 mới có sự phục hồi tốt.

Về kế hoạch đầu tư, năm nay ngân sách khoảng 100 tỷ đồng và không có kế hoạch đầu tư lớn. Doanh nghiệp sẽ đầu tư cho công tác tự động hóa, mua rô bốt vận hành máy móc để tiết kiệm chi phí.

Vị CEO cho biết Nhựa Bình Minh sẽ không có sự tăng trưởng đột biến trong 5 năm tới do đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều. Chiến lược trong 5 năm tới (2022-2026) của Bình Minh là phát huy lợi thế hiện có đảm bảo là đơn vị có sản lượng cao nhất trên thị trường, tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân khoảng 8-10%/năm và giữ thị phần cao nhất Việt Nam hiện nay.

Bình luận về biên lợi nhuận của Bình Minh đã thấp hơn Nhựa Tiền Phong (HNX: NTP) trong năm 2021 sau nhiều năm cao hơn, ông Ngân cho rằng nguyên nhân một phần là doanh nghiệp bạn đã tranh thủ khá tốt thời điểm đầu năm để tích trữa giá nguyên liệu giá tốt. Đồng thời, trong đợt dịch thứ 4, TP HCM là nặng nhất, gần như toàn bộ quý III, 75% nhân viên Bình Minh ngồi tại nhà, 25% nhân viên thực hiện “3 tại chỗ”. Trong điều kiện đó, miền Bắc chỉ bị ảnh hưởng trong 1 tháng nên Tiền Phong ít chịu ảnh hưởng hơn Nhựa Bình minh. Mặt khác, ngoài hoạt động kinh doanh chính, Nhựa Tiền Phong có thêm các khoản lợi nhuận từ hoạt động tài chính, công ty thành viên mà Nhựa Bình Minh không có.

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2021, Nhựa Tiền Phong báo cáo doanh thu năm trước đạt 4.819 tỷ đồng, tăng 6,7%; lợi nhuận sau thuế 465 tỷ đồng, tăng 4%. Biên lợi nhuận sau thuế đạt 9,6% (cao hơn Nhựa Bình Minh là 4,7%). Doanh nghiệp duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận 3 năm liên tiếp.

bmp-bln-3859-1645092993.png

Đơn vị: %