Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá màng nhựa Trung Quốc, Thái, Malaysia

Bộ Công thương, vừa có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm nhựa có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Bộ Công thương áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất là 23,71% đối với màng nhựa từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia /// Ảnh: Lam Nghi

Bộ Công thương áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất là 23,71% đối với màng nhựa từ Trung Quốc, Thái Lan, MalaysiaẢnh: Lam Nghi

Cụ thể, ngày 20.7 vừa qua, Bộ Công thương ban hành Quyết định 1900/QĐ-BCT về áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm plastic được làm từ các polyme từ propylen (tên thường gọi là màng BOPP) có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước, Bộ Công thương quyết định khởi xướng điều tra vụ việc từ ngày 4.8.2019. Theo Cục Phòng vệ thương mại, việc điều tra được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan. Đến ngày 18.3.2020 vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 880/QĐ-BTC áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với màng BOPP.

Kết quả điều tra đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện bắt buộc theo quy định của Tổ chức thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan để áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Cụ thể tồn tại 3 yếu tố: hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài; thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước; và hành vi bán phá giá là nguyên nhân chính dẫn tới thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.

Mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng cho hàng BOPP từ 3 thị trường nói trên dao động từ 9,05 - 23,71%, thấp hơn mức thuế sơ bộ được áp dụng trước đó. Ngoài ra, trên cơ sở xem xét ý kiến hợp lý của các bên liên quan, Bộ Công thương đã quyết định loại trừ một số sản phẩm màng BOPP đặc biệt khỏi phạm vi áp dụng của biện pháp chống bán phá giá do ngành sản xuất trong nước không sản xuất được những chủng loại sản phẩm này.

Theo quy định, biện pháp chống bán phá giá sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày Quyết định 1900 có hiệu lực. Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.