​ Nestle cam kết tái chế bao bì vào năm 2025

(TN&MT) – Mới đây, Công ty thực phẩm lớn nhất Thụy Sỹ Nestle cho biết công ty này muốn tái chế hoặc tái sử dụng tất cả các bao bì vào năm 2025, trở thành công ty thực phẩm mới nhất giảm thiểu chất thải nhựa.


Chính phủ các nước châu Âu đã tăng cường nỗ lực giảm bớt rác thải và chất thải nhựa, và các công ty trong chuỗi cung ứng lương thực đang theo sát kế hoạch này. Vừa qua, chuỗi siêu thị Anh Waitrose cam kết sẽ cấm dùng loại ly cà phê dùng một lần vào mùa thu này.

"Chất thải nhựa đang là một trong những vấn đề nhức nhối nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải có sự tiếp cận của cả một tập thể", Mark Schneider, Giám đốc điều hành của Nestlé cho biết.

Theo Nestle, công ty này sẽ tập trung vào việc loại bỏ các chất dẻo không tái chế, khuyến khích việc sử dụng chất dẻo có tỷ lệ tái chế tốt hơn và loại bỏ hoặc thay đổi sự kết hợp phức tạp của chất liệu đóng gói.

"Chúng tôi đang làm việc để thay đổi màu sắc sử dụng cho bao bì nhựa của chúng tôi. Màu sắc sáng hơn sẽ dễ tái chế hơn", chuyên gia Duncan Pollard của Nestlé cho biết.

Biểu tượng của Nestle trên cổng vào trụ sở công ty ở Vevey, Thụy Sĩ ngày 18/2/2016. Ảnh: Pierre Albouy
Biểu tượng của Nestle trên cổng vào trụ sở công ty ở Vevey, Thụy Sĩ ngày 18/2/2016. Ảnh: Pierre Albouy
Tổ chức môi trường quốc tế Greenpeace cho biết Nestle đã bỏ qua các mục tiêu định lượng rõ ràng về việc giảm thiểu chất thải nhựa.


Phát ngôn viên Greenpeace Thụy Sĩ Yves Zenger cho biết: "Công ty Nestle là một trong những bên chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nhựa dẻo nghiêm trọng ở các đại dương”.

Theo Pollard, việc tái chế các loại nhựa sử dụng một lần tùy thuộc vào cơ sở tái chế tại chỗ và đặc biệt là các nước Đông Nam Á, như Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã phải cải tiến trong lĩnh vực này.

Chuỗi cà phê Starbucks đang triển khai chương trình giảm giá đồ uống cho khách hàng nếu họ mang theo ly riêng của họ.

Hồi tháng trước, chính phủ Anh đã công bố kế hoạch trả lại tiền đặt cọc cho các ly, cốc dùng một lần để đựng đồ uống và các cơ quan quản lý EU cho biết họ muốn tăng tái chế chất dẻo, sau khi Trung Quốc cấm nhập "rác ngoại" từ đầu năm 2018.