​ Khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng

BNEWS Chính phủ khuyến khích, tạo điều kiện cùng nhiều cơ chế hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy các ngành khác trong cùng lĩnh vực.

Ngành công nghiệp hỗ trợ luôn được coi là động lực phát triển kinh tế. Bằng nhiều cách thức, Chính phủ đã khuyến khích, tạo điều kiện cùng nhiều cơ chế hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành này với kỳ vọng tạo cú hích lớn để trở thành mũi nhọn đột phá song song với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến và chế tạo.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đến thời điểm này, cả nước đã có 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các trung tâm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ Công Thương cũng đã khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Theo đó, hệ thống này đã có hơn 3.600 doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử, dệt may, da giày.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, từng bước tiến tới cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Doanh thu sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp hỗ trợ đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu hàng năm của toàn ngành chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, theo ông Phú, song song với những kết quả tích cực, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang bộc lộ một số điểm yếu cần khắc phục. Đó là sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào từ nhập khẩu – đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử; dệt may; da giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô...
Chính vì vậy, khi dịch COVID-19 diễn ra và bùng phát tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất. Chẳng hạn ngay trong thời gian đầu năm 2020 bùng phát dịch và phải đến khi các quốc gia nêu trên đi qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Ảnh minh họa: Danh Lam - TTXVN

Thêm nữa, nội lực của ngành sản xuất trong nước còn rất hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài. Chính sự phụ thuộc này khiến cho ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển và thiếu tính chủ động dẫn tới kéo dài tình trạng nhập siêu; cũng như khiến cho giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước rất thấp.
Đại diện tiếng nói một số doanh nghiệp đối tác nước ngoài, ông Akutsu Michio, Chuyên gia tư vấn Hiệp hội Các nhà tư vấn kinh doanh quốc tế Nhật Bản nhận định, cũng đã có một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt; nhất là trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa-cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới; trong đó có Nhật Bản.
Tuy nhiên, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhiều thách thức cần khắc phục. Như năng suất lao động của các doanh nghiệp ngành này ở nhiều địa phương còn khá thấp; thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao; việc cấp vốn để đầu tư thiết bị còn khó khăn, thiếu thông tin của các nhà cung cấp nguyên vật liệu chất lượng và giá rẻ ở nước ngoài…
“Sản phẩm công nghiệp được tạo thành từ hàng nghìn bộ phận, nếu thiếu một bộ phận, dây chuyền lắp ráp sẽ bị dừng. Do vậy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phải bảo đảm được khả năng cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ một cách thường xuyên”, ông Akutsu Michio lưu ý và cho rằng nếu làm được điều này, ngoài Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cung cấp cho những doanh nghiệp lắp ráp chế tạo cuối cùng tại các nước khác.
Từ thực tế doanh nghiệp, ông Văn Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Công nghiệp và Thương mại Vít Việt cho biết, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và từng bước tự chủ về nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề then chốt góp phần vào sự phát triển bền vững của nền công nghiệp Việt Nam trong dài hạn. Tình trạng phụ thuộc do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu bởi những tác động của đại dịch COVID-19 thời gian qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển sản xuất của ngành này và tăng trưởng kinh tế nói chung trong ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang ngày càng diễn ra sâu rộng và có sức lan tỏa như hiện nay.
Cũng như nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ, Vít Việt đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, đặc biệt là việc tự chủ nguồn nguyên vật liệu. Do đó, doanh nghiệp luôn mong mỏi sự tạo điều kiện, giúp đỡ của các cơ quan chức năng để triển khai một số chính sách ưu đãi hay nới lỏng một số quy định trong tiếp cận các nguồn lực như: tài chính, công nghệ hay con người. Doanh nghiệp cũng hy vọng sẽ hội tụ đủ điều kiện để được hưởng các chính sách giãn, giảm thuế cùng các cơ chế hỗ trợ khác của Chính phủ.
Có được điều này và nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, khó khăn kinh tế như hiện nay, chắc chắn sẽ là nền tảng tốt để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp này theo tinh thần của Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ./.