​ Hòn đảo di sản thế giới “hứng” 18 tấn rác thải nhựa

Henderson - một hòn đảo hoang vu thuộc Anh, nằm ở phía nam Thái Bình Dương mới đây được phát hiện là nơi chứa nhiều rác thải nhựa nhất thế giới. Việc một nơi xa xôi và hoang vắng không người lại là nơi chất chứa rác thải và ô nhiễm thuộc loại hàng đầu thế giới là tiếng còi báo động đối với nhân loại.

“Báo động đỏ” rác thải nhựa

Các thông tin được đăng tải mới nhất trên tờ The Guardian hồi tuần trước. Theo đó, đảo Henderson thuộc Anh hiện có khoảng gần 38 triệu miếng rác thải nhựa trên bờ biển. Nguyên do bởi hòn đảo này nằm gần trung tâm của một dòng chảy đại dương, nên các rác thải từ tàu thuyền và từ Nam Mỹ đã dồn về đây.

Một hòn đảo vắng bóng người suốt 600 năm qua nhưng đầy chất thải nhựa, một nơi hoang sơ với hệ sinh thái chưa được con người khai thác - di sản thế giới được UNESCO công nhận đang phơi trần một góc thảm họa khác của ô nhiễm rác thải nhựa.

The Guardian dẫn lời nữ TS Lavers, Đại học Tasmania nói: “Tôi đã từng đi đến một số hòn đảo xa nhất trên thế giới và cho dù hòn đảo nào thì câu chuyện cũng giống nhau: Các bãi biển chứa đầy rác thải của con người”. Bà Lavers chia sẻ, những tưởng một hòn đảo xa xôi như đảo Henderson sẽ có khả năng là “ngoại lệ”, bởi nó ít bị tác động bởi con người. “Nhưng không, tôi đã lầm. Số lượng rác thải ở đây khiến tôi không nói nên lời”, vị tiến sĩ này nói.

hon dao di san the gioi hung 18 tan rac thai nhua

Tính toán của nhiều nhà môi trường Anh và Australia cho thấy, đảo Henderson có gần 700 miếng rác thải trên mỗi m2, tổng lượng rác lên tới 18 tấn. Không những chỉ rác trên bề mặt, phần lớn rác thải (khoảng 68%) thậm chí còn bị chôn vùi dưới lớp đất cát biển khoảng 10cm.

Đảo Henderson rộng 3.700ha, là một trong số ít đảo san hô có hệ sinh thái hoang sơ chưa từng bị tác động bởi con người. TS Lavers còn kể lại, chính mắt bà từng thấy hàng trăm con cua sống chui rúc trong những vỏ chai lọ và rác thải nhựa trên hòn đảo này. “Rác thải nhựa có ở đây từ rất lâu rồi, chúng sắc nhọn và vô cùng độc hại. Những con cua đẹp đẽ phải sống trên rác thải của con người, thật đau lòng”.

Cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa?

Ocean Conservancy, một tổ chức bảo vệ môi trường biển thống kê: 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm: vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút… Cũng theo tổ chức này, tới năm 2025, cứ trung bình 3 tấn cá thì sẽ có 1 tấn rác thải nhựa ở đại dương. Cùng với đó, lượng nhựa được tiêu thụ hằng năm tại châu Á được dự kiến sẽ tăng tới 80% trong 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025.

Chưa hết, cần nhấn mạnh một điều rằng không chỉ nguy cơ gia tăng rác thải nhựa trên biển, loại rác này còn tồn tại rất lâu. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy phải mất hơn 400 năm rác thải nhựa mới có thể phân hủy.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, rác thải nhựa không những làm ô nhiễm môi trường biển, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cho các loài sinh vật biển. Các loài cá ăn phải hạt nhựa, túi nilon sẽ mắc bệnh gan và tử vong, do cơ thể không có khả năng tiêu hóa hay lọc độc (hợp chất chống cháy, chất độc PCB…) từ các hạt này.

Tờ Los Angeles Times chỉ rõ, rác thải nhựa có tác động tới các loài chim biển. Cụ thể, nghiên cứu khoa học của UC Davis công bố cuối năm ngoái cho thấy, có những cá thể chim biển chết với dạ dày đầy rác nhựa. Ước tính đến năm 2050, sẽ có tới 99% chim biển ăn phải rác nhựa.

Một báo cáo mới đây cũng cho thấy, có tới 28% số cá được bán trong chợ ở Indonesia và 25% số cá trong các siêu thị ở California (Mỹ) có chứa rác thải bên trong cơ thể. Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về tác động của rác thải nhựa lên sức khỏe con người nhưng chúng ta có thể đoán được phần nào hậu quả khi ăn phải thực phẩm biển đã bị nhiễm độc.

Ở góc độ kinh tế, nghiên cứu mới nhất của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) gần đây cho thấy, các quốc gia thành viên của diễn đàn này hiện phải chi trả tới 1,3 tỉ USD mỗi năm để xử lý ô nhiễm môi trường biển.

Nghiên cứu công bố hồi năm 2015 cho thấy, Indonesia là quốc gia thải rác nhựa ra biển nhiều thứ hai thế giới (chỉ sau Trung Quốc với 2,4 triệu tấn). Báo cáo khoa học mới nhất về môi trường của nhóm nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy, hai quốc gia châu Á này chiếm tới 1/3 rác nhựa thải ra môi trường biển của cả hành tinh.

hon dao di san the gioi hung 18 tan rac thai nhua
Đảo Henderson hoang vắng đang trở thành nơi chứa rác thải của con người

Kế hoạch “cứu” đại dương trước khi quá muộn

Năm 2015, hai nhà khoa học Australia đã thiết kế một loại thùng rác có tên là Seabin, với mục tiêu giúp thu gom rác thải trong nước biển. Khi môi trường đã được làm sạch thì cũng là lúc Seabin ngưng hoạt động.

Theo đó, Seabin có cơ chế hoạt động tương tự như bộ lọc nước trong những hồ cá thủy sinh bằng kính thường thấy trong các gia đình. Seabin là thùng rác chìm dưới nước, có tác dụng thu gom những thứ rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt biển, nhờ cơ chế nước trôi sẽ lôi cuốn rác vào trong. Bộ lọc và gom rác của Seabin có thể gom rác như vỏ chai, bao nilon, lon nước ngọt, lá cây và kể cả dầu mỏ bị tràn.

Dự án phát triển thùng rác biển Seabin đã được đưa vào thử nghiệm tại các cảng biển châu Âu khác nhau và được bán với giá khoảng 2.500 bảng Anh/ sản phẩm.

Một nhà sáng chế Hàn Quốc có tên là Sung Jin Cho thì nêu ý tưởng xây dựng một kết cấu nổi trên biển có tên là Seawer, giúp thu gom rác thải nhựa, làm trong sạch môi trường biển.

Theo đó, Seawer sẽ là một cao ốc trôi nổi trên biển, có thể tự sản xuất điện bằng cách dùng nước biển và ánh nắng mặt trời và có chức năng dọn sạch đại dương khỏi rác thải từ các sản phẩm nhựa.

Seawer gồm vòng đê đường kính 550m và sâu 300m với 5 lớp lọc tách các phần tử nhựa ra khỏi nước biển rồi chuyển lên trạm xử lý trên nhà nổi, còn nước biển làm sạch được lắng trong bể lớn ở phần đáy của nhà trước khi trả lại về biển.

Dự kiến “ngôi nhà lọc nước biển” này được bố trí tại trung tâm Thái Bình Dương, nơi tập trung rất nhiều rác, các phế liệu nhựa. Vừa dọn rác vừa dùng năng lượng từ các nguồn tái sinh, Seawer sẽ từ từ bơi từ vùng biển ô nhiễm này đến vùng biển ô nhiễm khác với chức năng làm sạch, trả lại sự trong lành cho môi trường biển.

Mới đây nhất, Bussiness Times dẫn thông tin cho hay, một nhà khoa học Tây Ban Nha có tên là Federica Bertocchini đồng thời là một người nuôi ong nghiệp dư đã phát hiện khả năng ăn rác thải nhựa đáng kinh ngạc của sâu sáp khi đang chăm sóc tổ ong. Những con sâu sáp được dùng làm mồi cho cá nhưng chúng cũng là loài gây hại ở tổ ong, thường nhai thủng tổ ong bằng sáp. Bertocchini bỏ những con sâu vào túi nhựa siêu thị làm từ polyethylene khi nhặt chúng ra từ tổ ong. Chưa đầy một tiếng sau, chiếc túi bị thủng lỗ chỗ.

Theo như công bố trên Tạp chí Current Biology, 100 con sâu nhai hết 92mg nhựa trong khoảng 12 giờ, khiến chiếc túi siêu nhẹ chỉ còn lại những mảnh vụn. Chúng phân tách nhựa thành ethylene glycol, một chất chống đông.

Hiện, nhóm nghiên cứu của bà Federica đang tiến hành thêm vài bước trước khi dùng sâu sáp để xử lý hàng núi rác thải nhựa ở các bãi rác mỗi năm.

petrotimes.vn