​ Hết năm 2021, siêu thị TP.HCM không còn túi nhựa

Đây là một trong những mục tiêu lớn mà lãnh đạo TP.HCM đặt ra trong kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn trong năm nay.

Hết năm 2021, siêu thị TP.HCM không còn túi nhựa - Ảnh 1.

Người dân đổi chai nhựa lấy cây xanh tại Ngày hội sống xanh TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Kế hoạch đề ra mục tiêu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chỉ sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường.

Kiểm soát chất thải nhựa từ nguồn

Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, để kế hoạch đạt hiệu quả cần phải tăng cường kiểm soát việc phát thải chất thải nhựa ngay từ nguồn.

Đầu tiên là ở góc độ cơ quan công quyền, TP yêu cầu các cơ quan phải hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy trong các hoạt động. Đồng thời phải thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động hằng ngày của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế...

Đối với cộng đồng, phải nắm rõ mối liên hệ giữa hoạt động sinh hoạt của người dân với các chuỗi siêu thị, chợ.

Hoạt động mua bán nhu yếu phẩm hằng ngày là nguồn gốc phát sinh chất thải nhựa, bao bì nhựa rất lớn. Do đó việc vận động, đôn đốc các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách, chợ dân sinh... rất quan trọng.

Các tiểu thương cần thay thế túi đựng bằng vật liệu thân thiện, người dân đi chợ mang theo giỏ đựng, thay thế dần thói quen dùng túi nhựa.

Hết năm nay, TP.HCM phấn đấu 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ mục đích sinh hoạt để thay thế túi nilông khó phân hủy. Tại các chợ dân sinh, mục tiêu giảm 50% sử dụng bao bì nilông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng.

Xa hơn đến năm 2030, TP.HCM hạn chế tối đa việc sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Cuối cùng đối với chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng được lưu ý. Lượng chất thải phát ra, TP yêu cầu các chủ nguồn thải phải thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý.

Tăng cường tuyên truyền nơi công cộng

Trong năm 2020, việc thực hiện giảm chất thải nhựa, bao bì khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã có chuyển biến rõ rệt. Dễ dàng nhận thấy một số chuỗi cửa hàng tiện lợi đã chuyển sang sử dụng bao bì phân hủy.

Anh Phạm Bá (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ sau khi mua sản phẩm tại hệ thống siêu thị tiện lợi Familymart, anh được đựng đồ trong túi nilông tự phân hủy.

Theo anh Bá, đây là thiết kế thân thiện với môi trường, so với các túi nilông cần thời gian phân hủy rất lâu.

Tương tự, tại hầu hết các cuộc họp, hình ảnh chai nước nhựa cũng đã được thay thế dần bằng ly giấy sử dụng một lần hoặc chai đựng nước có thể tái sử dụng.

Đối với số chất thải đã tồn tại ngoài môi trường, TP.HCM đã kích hoạt nhiều chương trình để giải quyết. Cụ thể như các phong trào, chiến dịch thu gom chất thải rắn, chất thải nhựa ở các nơi công cộng, khu đất trống, sông, kênh rạch...

Trong năm 2021, TP.HCM tiếp tục phát triển, triển khai sử dụng mô hình 3T (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế) nhằm tăng cường việc giảm thiểu và tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trong các hoạt động.

Lãnh đạo TP yêu cầu các sở ngành, quận huyện chủ động nghiên cứu, xây dựng tài liệu, nội dung và tổ chức truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức với nhiều hình thức đa dạng, sinh động về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và con người. Đồng thời nhấn mạnh lợi ích của các hoạt động này để người dân nhận thức rõ.

Đặc biệt chú ý tuyên truyền mạnh mẽ tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, sân bay, ga tàu, bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, cơ sở giáo dục, cửa hàng, điểm du lịch, khách sạn, công viên. Đây là các địa điểm có mức độ phủ sóng, tiếp cận được với số đông.

Theo kế hoạch, TP đặc biệt yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện. Kết quả thực hiện sẽ được các đơn vị tổng hợp, báo cáo trước ngày 30-11. Sở Tài nguyên - môi trường là đầu mối tổng hợp, báo cáo, tham mưu cho TP các bước thực hiện tiếp theo.

Nên thay đổi thói quen

Sở Tài nguyên - môi trường nhận định thay đổi thói quen người tiêu dùng rất quan trọng nhưng thay đổi nguồn gốc sinh ra chất thải nhựa còn quan trọng hơn. Do đó TP.HCM sẽ làm việc với các đơn vị sản xuất bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Qua đó vận động doanh nghiệp có kế hoạch hạn chế sản xuất và chuyển đổi dần sang sản xuất các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.